• Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Hội đồng hương BHNT
  • Chi tiết bài viết

Nghề đại lý bảo hiểm: Hiểu thế nào cho đúng?

Cập nhật: 2018-10-01 15:02:53

Lượt xem: 222


(PLO) - Tư vấn viên bảo hiểm, hay đại lý bảo hiểm, là một nghề đang thu hút một lực lượng lao động rất lớn, với hơn 600.000 đại lý đang hoạt động. Việt Nam có hơn 7 triệu hợp đồng bảo hiểm đã được ký, tương ứng với 7 triệu gia đình đang được bảo vệ, đó là nhờ phần lớn công sức của đội ngũ này.


 

Rất nhiều khách hàng xem đội ngũ đại lý là những “thầy giáo tài chính” đáng tin cậy, một số khác vẫn còn cái nhìn chưa thiện cảm đối với đội ngũ này.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, về một cái nhìn toàn diện đối với sự đóng góp của đội ngũ đại lý hiện nay đối với sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ.

Thưa ông, ông đánh giá vai trò của đại lý bảo hiểm hiện nay đối với ngành như thế nào, nhất là khi kênh bancassurance đang được các doanh nghiệp bảo hiểm ưu tiên đầu tư?

- Thật ra kênh nào cũng có ưu điểm riêng, nhưng đại lý bảo hiểm vẫn đang đóng góp đến 90% lượng hợp đồng khai thác trên toàn thị trường. Con số này cho thấy vai trò rất quan trọng của đội ngũ đại lý đối với sự phát triển của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Muốn bán được hợp đồng bảo hiểm thật ra không dễ, vì nhiều người dân vẫn còn định kiến với ngành này. Các đại lý phải gặp gỡ, dùng khả năng của mình thay đổi ý niệm của khách hàng về BHNT, rồi tư vấn các giải pháp tài chính phù hợp theo nhu cầu của khách hàng. Công sức họ bỏ ra không hề nhỏ, từ việc thuyết phục, chăm sóc khách hàng cho đến duy trì mối quan hệ để giới thiệu những sản phẩm mới nên họ luôn được công ty tưởng thưởng xứng đáng, tất nhiên cũng phải nằm trong quy định của Bộ Tài chính.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng các đại lý hoạt động trôi nổi, “ăn xổi ở thì”, “nay vào mai ra” như đi chợ, chạy đua doanh số lấy thưởng, bán xong hợp đồng rồi nghỉ việc để khách hàng không ai lo…

- Các doanh nghiệp đều có tiêu chí tuyển dụng và đào tạo đại lý riêng, theo tôi là ngày càng chặt chẽ. Luật Kinh doanh Bảo hiểm cũng quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải có những đánh giá về đại lý hoạt động (active agents) có doanh thu. Thậm chí, người được cấp chứng chỉ đại lý nhưng không có hoạt động trong thời hạn 3 năm liên tục phải thực hiện thi lại lấy chứng chỉ đại lý trước khi hoạt động trở lại. Đây là quy định cần thiết, vì sau thời gian dài không hoạt động, kiến thức có thể bị mai một, không thể tư vấn đúng và chính xác cho khách hàng, chưa kể sản phẩm mới ra liên tục. Như vậy, thời gian hoạt động của đại lý phải liên tục và được doanh nghiệp theo sát quản lý chất lượng công việc, không thể đơn giản như “nay vào mai ra” như đi chợ được.

Hoặc khi nói đại lý bán hợp đồng cho khách xong rồi “chạy”, “đem con bỏ chợ” cũng không chính xác. Các doanh nghiệp bảo hiểm luôn có quy trình nghiệp vụ, khi đại lý bảo hiểm nghỉ việc chuyển sang công ty khác, doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách theo dõi và quản lý hợp đồng 5-10 hoặc vài chục năm, tiếp tục phục vụ khách hàng.

Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi khách hàng, các công ty BHNT cũng đưa ra khuyến cáo, nếu thấy có những ứng xử của đại lý chưa phù hợp hay tư vấn chưa rõ ràng, khách hàng nhất thiết phải gọi về đường dây nóng của công ty để được chăm sóc chu đáo hơn. 

Cũng có người nhận xét mua bảo hiểm qua đại lý thì họ có thể “biến mất”, trong khi qua các kênh khác như mua bancasurance qua ngân hàng thì yên tâm hơn, ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Nói như vậy là không hiểu đúng và chính xác về bản chất của bảo hiểm và hoạt động giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp bảo hiểm chịu sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có quy định về vốn, biên khả năng thanh toán. Đại lý bảo hiểm bán bảo hiểm cho doanh nghiệp, kể cả khi họ chuyển công tác, thì quyền lợi khách hàng vẫn được đảm bảo, bởi trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm vẫn luôn luôn còn đó. 

Còn chi nhánh, trụ sở ngân hàng không có giá trị gì đối với khả năng thanh toán, chi trả quyền lợi bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm. Ngân hàng hoạt động với tự cách tương tự đại lý, họ không có trách nhiệm chi trả quyền lợi bảo hiểm mà đó là trách nhiệm của bảo hiểm, nên nói cán bộ ngân hàng, chi nhánh còn đó thì khách hàng hoàn toàn yên tâm về trách nhiệm là chưa hiểu đúng bản chất.