• Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Hội đồng hương BHNT
  • Chi tiết bài viết

Bảo hiểm phi nhân thọ: Dù khó vẫn hướng vào kênh trực tuyến

Cập nhật: 2018-10-01 15:04:13

Lượt xem: 187


Hiện tại, tỷ trọng doanh thu từ bán bảo hiểm trực tuyến còn khá khiêm tốn trong tổng doanh thu của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các doanh nghiệp khối này, đầu tư cho kênh trực tuyến chính là đầu tư cho tương lai, nhất là trong xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh như hiện nay.

Thực tế, tùy từng chiến lược mà mỗi công ty bảo hiểm phi nhân thọ sẽ đẩy mạnh từng loại sản phẩm bán trên kênh trực tuyến. Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm du lịch và xe cơ giới đang là những sản phẩm bán tốt nhất qua kênh này.

Kênh trực tuyến của Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC) hiện đang bán các sản phẩm bảo hiểm cho cá nhân, bao gồm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm nhà và bảo hiểm ô tô. Trong đó, bảo hiểm sức khỏe đang là sản phẩm bán chạy nhất.

Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng là doanh nghiệp đang tung ra nhiều dòng sản phẩm ngách trên kênh bán hàng trực tuyến, với các sản phẩm như bảo hiểm theo chuyến xe (Trip

Insurance), bảo hiểm viện phí (Bảo An Khang)…

Tại Bảo hiểm Liberty Việt Nam, bảo hiểm du lịch và bảo hiểm ô tô cũng là 2 sản phẩm dẫn đầu trong chiến lược khai thác kênh bán hàng trực tuyến.

Thực tế cho thấy, ở thời điểm hiện tại, tuy lợi nhuận từ kênh trực tuyến chưa cao, thậm chí là lỗ, nhưng các doanh nghiệp phi nhân thọ vẫn đang đẩy mạnh triển khai nhằm xây dựng thương hiệu, tạo dựng thói quen mua hàng của khách hàng.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, có nhiều nguyên nhân khiến bảo hiểm trực tuyến chưa thực sự trở thành một phân khúc lớn mạnh, song lý do chủ yếu là tâm lý người Việt Nam vẫn ngại mua bảo hiểm online.

Bên cạnh đó, để thực sự đẩy mạnh kênh này, cần phải có nhiều chương trình khuyến mại giảm phí sâu (30-50%) kết hợp với đầu tư mạnh cho quảng cáo. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh các chương trình khuyến mại giảm phí sẽ  nảy sinh 2 vấn đề.

Một là, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị lỗ vì chi phí quá lớn (các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, ô tô vốn có tỷ lệ bồi thường lớn, cộng thêm chi phí khuyến mại, quảng cáo - cũng là các khoản chi phí không nhỏ). Hai là, việc giảm phí cũng không thể triển khai quanh năm do phải tuân thủ về giới hạn thời gian triển khai theo quy định pháp luật.

“Khi bán bảo hiểm qua kênh trực tuyến, các khách hàng sẽ dễ dàng so sánh mức phí giữa các công ty bảo hiểm, nếu phí không cạnh tranh thì sẽ rất khó bán”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói.

Gặp không ít khó khăn trong việc khai thác, thực tế doanh thu đến từ bảo hiểm trực tuyến mới đóng góp chưa đến 10% trên tổng doanh thu phí bảo hiểm chung của khối này (doanh số bán hàng trực tuyến hiện cũng chưa phải tách bạch báo cáo và các công ty bảo hiểm cũng không cần báo cáo riêng lẻ doanh số kênh này).

Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn nhìn nhận rằng, nếu thị trường bảo hiểm Việt Nam dần phát triển như các nước tiên tiến, thì kênh này sẽ mang lại nhiều lợi thế, bởi kênh trực tuyến luôn hướng tới sự đơn giản, tiện lợi, tiết giảm công sức mua hàng cho khách hàng.

Hơn nữa, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng và xu hướng thương mại điện tử đang diễn ra mạnh mẽ buộc các doanh nghiệp bảo hiểm không thể đứng ngoài. Doanh nghiệp nào đi trước sẽ chiếm được lợi thế trong kinh doanh.

Nhìn về dài hạn, kinh doanh từ kênh bảo hiểm trực tuyến sẽ là kênh đem lại hiệu quả kinh doanh cao hơn các kênh truyền thống do các doanh nghiệp sẽ cắt giảm được khâu trung gian và có thêm nguồn lực triển khai các chương trình dành cho khách hàng.

Đồng thời, các sản phẩm bán trên kênh online cũng là những sản phẩm đơn giản, dễ mua, giúp các doanh nghiệp bảo hiểm tìm được thị trường ngách, hạn chế cạnh tranh trực tiếp trên các sản phẩm truyền thống như bảo hiểm xe ô tô, bảo hiểm con người…

Cũng vì lẽ đó, cuộc chạy đua đầu tư vào công nghệ thông tin, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm trực tuyến, đang ngày càng trở nên quyết liệt. Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, đầu tư vào bảo hiểm trực tuyến là cuộc đầu tư dài hơi, chứ không thể "một sớm, một chiều". Theo vị này, cuộc đua sẽ chỉ dành cho những doanh nghiệp có nguồn lực và kiên nhẫn.

"Hãy nhìn vào dữ liệu của Google Analytic - một công cụ phân tích website về các yếu tố như thị phần, lượt chia sẻ, tìm kiếm..., nếu sản phẩm trực tuyến của hãng bảo hiểm nào nằm trong nhóm thị phần cao nhất, thì doanh thu phí bảo hiểm của hãng đó cũng sẽ tỷ lệ thuận với thị phần này", đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài nhìn nhận.